TRUNG THU GIỮA ĐẠI DỊCH COVID-19

Lượt xem:

Đọc bài viết

“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm ”

Câu hát ấy đã nằm lòng với bao người, đã gắn bó với thời thơ ấu của bao nhiêu người dân Việt Nam. Và tết trung thu, cái tết thiếu nhi thân thương ấy đã trở thành những hồi ức không thể nào quên của những ai đã đi qua những đêm say sưa trong ánh đèn ông sao và nhảy múa dưới ánh trăng rằm sáng rỡ.

“Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng
Dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang ”

Một câu hát quen thuộc, một câu hát nữa của tuổi thơ gọi bao tâm trí về với những ngày trung thu đẹp đẽ. Cứ như thế, dư vị trung thu đã đi qua bao lớp người, đã đi qua bao lứa tuổi thơ và vẫn mãi in dấu với những đêm vui chơi bên mâm cỗ, trong tiếng trống linh đình dưới ánh trăng vàng dịu êm.

Tết trung thu mang nhiều ý nghĩa hơn cái tên tết thiếu nhi của nó. Đó là ngày lễ để trẻ em được tung tăng vui chơi, gặp gỡ nhau, cùng nhau phá cỗ rước đèn, tận hưởng ngày lễ dành riêng cho mình. Hơn thế, đây còn là dịp mọi người quây quần nói chuyện cùng nhau, là ngày để mọi người gần gũi nhau hơn. Ngày tết trung thu này cũng là ngày lễ của dân tộc, là nét văn hóa dân gian mang hơi thở truyền thống đậm đà, thể hiện sâu sắc bản sắc văn hóa dân tộc, là một nét đặc trưng của đất nước. Cho đến bây giờ, người dân vẫn duy trì tổ chức ngày tết này nhưng ít nhiều đã làm hao hụt đi những giá trị truyền thống như không còn những đoàn rước đèn rộn rã, đèn lồng truyền thống bị những loại đèn hiện đại khác thay thế,… Vì vậy, ta không chỉ duy trì ngày tết mà còn cần bảo tồn những giá trị vốn có của nó, cần giữ cho ngày tết đúng với ý nghĩa ban đầu để mang lại một ngày tết vẹn tròn cho lứa tuổi thơ.

Mỗi năm, vào dịp Tết Trung thu, các tổ chức đoàn thể nơi khu phố, thôn xóm đều chung tay góp sức để tổ chức cho thiếu nhi đón tết vui vẻ. Vì vậy, ngay từ đầu tháng, các cô, bác trong hội phụ nữ đã đi đến từng nhà để vận động, quyên góp lấy quỹ tổ chức cho các cháu. Đoàn thanh niên làm đèn ông sao to, sửa đầu lân, dọn dẹp nhà văn hóa để các cháu thiếu nhi rước đèn, múa lân, phá cỗ… Tranh thủ khi học bài xong, các bạn nhỏ tập múa lân, tiếng trống thùng thình, cắc tùng rộn rã khắp đường thôn, ngõ phố. Ở vùng quê các mẹ gói những chiếc bánh chưng xinh xắn, chọn các loại quả trong vườn nhà: bưởi, na, hồng, thị,… bày mâm cỗ trông thật vui mắt.

Trong trường học, thầy cô và phụ huynh hàng năm cũng tổ chức Tết Trung thu cho học sinh: có trường tổ chức thi gói và nấu bánh chưng, bày cỗ chấm điểm; có trường thi văn nghệ, kể chuyện sự tích chú Cuội, chị Hằng, xem múa lân, phá cỗ… sau buổi học. Dưới bàn tay khéo léo của các cô cậu học trò những quả bưởi được tỉa thành hình chú cún con, thỏ con trông rất ngộ nghĩnh. Quả dưa hấu được cắt tỉa công phu thành những bông hoa xinh xắn… Mâm cỗ trung thu do tự tay các em trang trí trông thật vui mắt. Không khí trường học trong dịp Tết Trung thu vui vẻ, rộn rã hẳn lên.

Khi đêm về, dưới ánh trăng rằm, tiếng trống múa lân, múa sư tử hòa lẫn trong tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ rộn ràng khắp nơi nơi. Đường phố nhộn nhịp người qua lại, vui cười hớn hở. Dưới ánh đèn lung linh, các bạn nhỏ cùng nhau phá cỗ, người lớn ăn bánh, uống nước chè ngắm ánh trăng khuya.

Năm nay, ngày Tết Trung thu đã cận kề nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà các cửa hàng bày bán bánh trung thu và đồ chơi không nhiều như năm trước. Địa phương đang thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, toàn dân nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho mọi người. Các bạn nhỏ không được tập trung để xem múa lân, rước đèn, phá cỗ nhưng không phải vì thế mà làm giảm đi niềm vui háo hức của trẻ thơ.

Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, Trung Thu năm nay trường Mầm non Bình Minh không tổ chức tập trung “Đêm hội Trăng Rằm” như hàng năm. Lấy ý tưởng từ việc trẻ em phải xa trường lớp, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giáo viên Trường MN Bình Minh xây dựng lễ hội trung thu trực tuyến bằng video đầy ý nghĩa nhưng cũng không kém phần vui tươi. Hàng loạt các hoạt động hấp dẫn đã được các cô giáo chuẩn bị kĩ càng để các bé có được những giây phút trung thu vui nhộn và đáng nhớ nhất. Tại đây, trẻ của toàn trường sẽ được kết nối với các nhân vật cổ tích, để cùng chia sẻ niềm vui, xem tiết mục đặc sắc, được nghe thư chúc Tết Trung thu của Chủ tịch nước và tương tác nhận quà qua màn ảnh nhỏ.

Chủ đề của mùa Trung thu năm nay là ”  Kết nối để gần nhau hơn”,  với thông điệp “ Gia đình đoàn viên” nhấn mạnh gia đình đã đóng vai trò quan trọng giúp các thành viên vượt qua cuộc khủng hoảng trong thời gian dịch Covid-19. Giáo viên trường MN Bình Minh đã hướng dẫn phụ huynh làm lồng đèn trung thu cho các em ở nhà vừa đảm bảo an toàn, tiết kiệm vừa giúp các em có những trải nghiệm, đầm ấm, quây quần bên gia đình.

Lễ hội trung thu năm nay được thay bằng các hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Kết hợp với Đoàn thanh niên TT Ea Knốp, Đoàn Thanh niên trường MN Bình Minh đã rà soát và trao quà trung thu cho các em của trường có hoàn cảnh khó khăn. Những món quà tuy nhỏ mang lại nhiều hy vọng cho trẻ em nghèo khó giữa mùa dịch Covid-19.

Một mùa trung thu không có trống, có lân, không có những cuộc rước đèn rực rỡ thế nhưng Covid-19 không thể cướp đi niềm vui của con trẻ. Gạt đi những bộn bề của cuộc sống, người lớn ai cũng trân quý và ngóng đợi Tết đoàn viên tháng Tám. Trẻ em háo hức đợi đến ngày phá cỗ, trông trăng. Đó đây, trong từng ngõ phố hay thôn xóm hẻo lánh, giai điệu rộn rã, vui tươi: “Tết Trung thu rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường…” vẫn ngân vang trong những ngôi nhà nhỏ giữa đại dịch COVID-19 làm ấm áp lòng người.

Người đăng bài

 

 Lê Thị Hoa